Thứ Hai, 3 tháng 6, 2013

Tìm hiểu hệ Cao Đẳng, Đại Học tại Nhật Bản



Những thời kỳ phát triển hệ thống giáo dục Đại học của Nhật Bản cũng có thể cung cấp cho chúng ta một vài bài học và kinh nghiệm đáng tham khảo. Đáng tham khảo bởi vì Nhật cũng xuất phát từ một nước nông nghiệp, và cũng trải qua thời gian chiến tranh khốc liệt.

Thời kỳ - Tây phương hóa:
Từ thời Minh Trị Thiên Hoàng năm 1868. Trong thời gian này, Nhật cảm thấy bị đe dọa bởi các thế lực quân sự và kỹ nghệ của thế giới phương Tây, nhưng họ thấy đó là một cơ hội để tái cấu trúc hệ thống chính trị, xã hội và kinh tế, chuẩn bị cho sự nghiệp kỹ nghệ hóa đất nước. Minh Trị nhận thức rằng Nhật cần phải nắm lấy và làm chủ những “know-how” của phương Tây.

Năm 1877, Đại học Tokyo được thành lập (trước đây trường này chỉ là một trường cao đẳng dạy ngoại ngữ và y học cổ truyền). Đại học Tokyo lúc đó có 4 khoa: Luật khoa, Khoa học, Văn khoa và Y khoa. Trong giai này, phần lớn giáo sư là người ngoại quốc. Trong số 36 giáo sư, có đến 23 người là giáo sư từ Anh, Pháp, Đức và Mỹ. Ngay cả những giáo sư người Nhật cũng là những người từng tốt nghiệp từ các nước vừa kể.

Trong thời gian 20 năm sau đó, có đến 400 giáo sư từ các nước phương Tây được Bộ Giáo dục Nhật mướn (hay mời) dạy tại các đại học và cao đẳng trên khắp nước Nhật. Không chỉ trong ngành giáo dục, Nhật còn mướn các chuyên gia phương Tây để làm việc và hướng dẫn trong các ngành như khai thác hầm mỏ, đường sắt, điện lực, điện tín, hãng xưởng…

Cùng lúc với sự hình thành của Đại học Tokyo, Nhật tích cực gửi sinh viên sang các nước phương Tây theo học tại các trường danh tiếng trên thế giới. Những “hạt nhân” đó sau này nắm giữ những chức vụ quan trọng trong hệ thống đại học và chính quyền.

Thời kỳ Cách mạng kỹ nghệ và Đại học.
Thời gian này được thiết lập hệ thống “đại học vương triều” (Imperial University System), và định hướng rõ ràng giáo dục phải phục vụ cho các mục tiêu của nhà nước. Năm 1890, (Đại học) Tokyo Imperial University được cho phép thành lập thêm một khoa mới, đó là khoa Nông học. Năm 1897, (Đại học) Kyoto Imperial University được thành lập theo mô hình của Đại học Tokyo. Kể từ đó, một số đại học trong hệ thống vương triều được thành lập, như Tohoku Imperial University (1907), Kyushu Imperial University (1910). Cả hai trường mới này chuyên về khoa học ứng dụng.

Thời gian mà các đại học vương triều ra đời trùng hợp với giai đoạn cách mạng kỹ nghệ ở Nhật. Cuộc cách mạng kỹ nghệ chủ yếu xảy ra ở ngành dệt và kỹ nghệ nhẹ, và chính các ngành “nhẹ” này đã là những viên gạch lót đường để Nhật trở thành một cường quốc kỹ nghệ sau này. Các Đại học vương triều có nhiệm vụ phải đào tạo các kỹ sư và khoa học gia, chuyên gia để đáp ứng nhu cầu của cuộc cách mạng kỹ nghệ. Mặc dù ý thức được cho rằng Đại học còn phải đào tạo các nhà nghiên cứu, nhưng trong giai đoạn mà công nghệ của Nhật còn quá thô sơ, họ chủ yếu nhắm vào việc đào tạo chuyên gia lành nghề, và việc đào tạo chuyên gia nghiên cứu chỉ tập trung ở các Đại học lớn như Tokyo và Kyoto. Song song với sự ra đời của các Đại học vương triều, Nhật còn thành lập một số trường cao đẳng kỹ thuật (technical college). Các trường Cao đẳng có nhiệm vụ giới thiệu các công nghệ của thế giới phương Tây nhưng có ứng dụng thực tế vào điều kiện phát triển ở Nhật. Đến năm 1910, Nhật đã có 17 trường cao đẳng kỹ thuật, và mỗi năm huấn luyện được hàng ngàn chuyên viên kỹ thuật.

Trong thời kỳ này, Nhật còn có một số Đại học tư thục, tuy lúc đó các trường này chưa được công nhận là “đại học” mà chỉ là những “trường đặc biệt” (special schools). Mãi đến năm 1918 các trường Đại học tư thục mới được chính thức công nhận là Đại học. Sau này, một số trường tư thục đó trở thành những Đại học danh tiếng. Chẳng hạn như Đại học Keio được thành lập năm 1868 (do gia đình của Fukuzawa Yukichi thành lập), Đại học Doshisa (của Niijima Jo lập năm 1875), Đại học Waseda (do Okuma Shigenobu lập năm 1882) đã có công đào tạo các chuyên gia kỹ thuật và quản lý cho các công ty tư nhân, và đóng góp một phần lớn vào sự nghiệp công nghiệp hóa của Nhật.

Thời kỳ Hậu chiến và Phát triển.
Trong thời gian chiến tranh, Nhật đã làm được một điều kỳ diệu: Phát triển đại học và kỹ nghệ. Cuộc chiến Nga - Nhật (1904-1905) là giai đoạn Nhật “củng cố lực lượng” để xây dựng và bành trướng thực lực quân sự. Đến thế chiến 1914-1918 thì thực lực quân sự của Nhật đã được chứng minh.

Thế chiến thứ nhất là động cơ để Nhật tiến hành một cuộc cách mạng kỹ nghệ thứ hai. Trong cuộc cách mạng này, Nhật tập trung vào kỹ nghệ nặng như đóng tàu, sản xuất sắt thép, sản xuất máy kỹ nghệ, hóa học… Trong thời gian 1915-1918, sản lượng kỹ nghệ của Nhật tăng sáu lần, và lần đầu tiên, sản lượng kỹ nghệ qua mặt sản lượng nông nghiệp, biến Nhật thành một nước công nghiệp tiên tiến.

Năm 1918 đạo luật thành lập các Đại học địa phương và Đại học vùng ra đời. Đạo luật còn cho phép thành lập các Đại học chuyên ngành như Đại học chuyên về kỹ thuật, kinh tế, nông học…

Đến năm 1930, Nhật đã có 7 Đại học vương triều, với 3 Đại học mới là Hokkaido, Osaka và Nagoya. Các đại học vương triều mới này chuyên về khoa học và công nghệ. Trong cùng thời gian này, các đại học cũ hơn như Tokyo và Kyoto bắt đầu thành lập các viện nghiên cứu trong và ngoài đại học. Phần lớn các viện nghiên cứu tập trung vào nghiên cứu về vật lý, hóa học, công nghệ hàng không. Trong giai đoạn này, Nhật đã có một hệ thống đại học hoàn chỉnh và tạo được một nền tảng cho phát triển khoa học kỹ thuật trong tương lai.

Thời kỳ Hoàn thiện.
Thời gian phát triển này kéo dài từ Thế chiến thứ 2 cho đến nay. Trong thời gian đầu sau khi Nhật đầu hàng, tương lai nước Nhật nằm trong tay của lực lượng chiếm đóng, và tương lai đất nước còn khá mập mờ. Năm 1949, chính quyền chiếm đóng đề nghị một cuộc tổng cải cách giáo dục trên toàn quốc. Theo đó, tất cả các đại học - từ hệ thống đại học vương triều đến đại học địa phương và tư thục - đều phải theo một chương trình đào tạo thống nhất, đó là bốn năm cho cấp cử nhân. Đến năm 1950, Nhật đã có 201 trường đại học, cao đẳng và viện nghiên cứu.

Đến năm 1952, khi Nhật được trao quyền tự trị, tương lai của Nhật có vẻ rõ ràng hơn. Người Nhật nhận thức rõ rằng để tồn tại trên thế giới với sự hạn chế tài nguyên thiên nhiên, Nhật tùy thuộc rất lớn vào khả năng kỹ nghệ. Để phát triển kỹ nghệ, họ cần phải phát triển hệ thống giáo dục đại học đến một tầm cao hơn. Năm 1956, một tài liệu về giáo dục cao đẳng của Anh (White Paper on Technical Education) được dịch sang tiếng Nhật, và trở thành một tài liệu tham khảo quan trọng, một kim chỉ nam cho hệ thống giáo dục đại học của Nhật sau này.

Năm 1956, Cục Khoa học và Công nghệ được thành lập, và năm 1960 Hội đồng Khoa học và Công nghệ đề xuất một số chính sách để phát triển khoa học và công nghệ trong vòng 10 năm. Những đề nghị này trở thành định hướng phát triển và hoàn thiện hệ thống đại học cho đến ngày nay.

Ngày nay, Nhật có hơn 725 trường đại học và 518 trường cao đẳng. Chất lượng đào tạo đại học của Nhật được thế giới công nhận. Hiện nay, Nhật có 11 trường đại học được xếp vào hạng “top 200” trên thế giới, với Đại học Tokyo (hạng 19) và Kyoto (hạng 25). Trong thời gian 1997-2001, các nhà khoa học Nhật công bố khoảng 336,858 bài báo khoa học, chiếm 9,3% tổng số bài báo khoa học trên thế giới. Số ấn phẩm khoa học của Nhật đứng vào hàng thứ tư trên thế giới, chỉ sau Mỹ, Liên hiệp châu Âu, Anh và Đức


Số lượng du học sinh quốc tế vào Nhật Bản
Theo số liệu thống kê của các tổ chức dịch vụ sinh viên  Nhật Bản (JASSO), có đến 141,774 du học sinh nước ngoài hiện đang học tập tại Nhật Bản, đặc biệt là du học sinh đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Việt Nam và Malaysia.

Thống kê theo bậc học:
Bậc học                                    Số lượng                    Tăng/giảm
Sau Đại học                              39,097                       Tăng  10.4 %
Đại học và Cao đẳng                 72,665                        Tăng    8.3 %  
Các trường dạy Nghề                27,872                        Giảm   0.2 %
Dự bị Đại học                            2,140                        Giảm   6.7 %  

5 Quốc gia có số lượng du học sinh học tại Nhật Bản nhiều nhất.
Quốc gia                      Số lượng                     Tăng/ giảm
Trung Quốc                    86,173                     Tăng 9.0 %
Hàn Quốc                       20,202                     Tăng 3.0 %
Đài Loan                          5,297                      Giảm 0.7 %
Việt Nam                          3,597                     Tăng 12.4 %
Malaysia                           2,465                     Tăng 2.9 %

1. Số lượng du học sinh tại Nhật Bản phân theo Khu vực địa lý
Khu vực                       Số lượng                      Tỷ lệ
Châu Á                         130,955                     92.4 %
Châu Âu                          4,390                       3.1 %
Bắc Mỹ                             2,706                       1.9 %
Châu Phi                          1,203                       0.8 %
Trung và Nam Mỹ             1,035                       0.7 %
Trung Cận Đông                  981                       0.7 %
Châu Đại Dương                  504                       0.4 %
Tổng Cộng                   141,774                   100.0 %

2. Số lượng  sinh viên quốc tế hân theo giới tính:
Giới tính                   Số lượng                            Tỷ lệ
Nam                          71,736                            50.6 %
Nữ                            70,038                            49.4 %
Tổng cộng               141,774                          100.0 %

5. Số lượng sinh viên quốc tế phân theo chuyên ngành học
Ngành học                       Số lượng                          Tỷ lệ
Nhân văn                        33,657                            23.7 %
Xã hội học                      54,668                             38.6 %
Khoa học                          2,006                               1.4 %
Công nghệ                      22,567                             15.9 %
Nông nghiệp                     3,100                              2.2 %
Chăm sóc sức khỏe            2,920                               2.1 %
Kinh tế                              2,747                               1.9 %
Giáo dục                           3,397                               2.4 %
Nghệ thuật                        4,604                               3.2 %
Ngành khác                     12,108                                8.5 %
Tổng cộng                     141,774                            100.0 %



 Top: học cao đẳng, đại học ở nhật bản